Lịch sử Lâm_Tế_tông

Lâm Tế Viện, nơi phát tích Tông Lâm Tế

Đời Đường, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền tham học với Thiền sư Hoàng bá Hi vận rồi ngộ đạo và được ngài ấn chứng. Vào năm Đại trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên tông sư đến trụ trì ở viện Lâm tế tại Trấn châu, đặt ra các cơ phong Thiền lý như Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản,... để tiếp dẫn đồ chúng, tông phong hưng thịnh và đến từ thời Trung Đường về sau đã phát triển thành 1 tông phái lớn, gọi là tông Lâm tế.

Trong số môn đệ của Lâm Tế Nghĩa Huyền thì các vị nổi bật nhất là Thiền sư Tam Thánh Huệ Nhiên, Hưng Hóa Tồn Tưởng. Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng là người biên soạn và viết lời tựa cho bản Lâm tế lục, tác phẩm ngữ lục quan trọng nhất về pháp ngữ và cơ phong của Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền và cũng là những nét giáo lý Thiền riêng của Tông Lâm Tế. Tông Lâm Tế được hình thành và phát triển cho đến nay là nhờ dòng truyền thừa của Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tưởng, phía dòng truyền của trưởng tử Tam Thánh Huệ Nhiên về sau bị thất truyền.

Sau Hưng Hóa Tồn Tưởng, Tông Lâm tế được truyền đến Thiền sư Nam Viện Huệ Ngung, Huệ Ngung truyền cho Thiền sư Phong Huyệt Diên Chiểu. Phong Huyệt truyền pháp cho Thủ Sơn Tỉnh Niệm, đến đời của Thủ Sơn, tông phong Lâm Tế rất hưng thịnh, lan ra khắp cả Trung Quốc. Thiền sư Thủ Sơn có nhiều môn đệ nối pháp xuất sắc như Diệp Huyện Quy Tỉnh- nổi danh với cơ phong độ chúng rất vô tình và khốc liệt và Phần Dương Thiện Chiêu là người nối tiếp mạch pháp chính của Thủ Sơn, Phần Dương thường sử dụng các cơ phong như Tam cú Tứ cú, Tam yếu, Thập bát xướng để tiép dẫn người học, được xưng là thiên hạ đệ nhất.

Dưới Phần Dương Thiện Chiêu có nhiều vị đệ tử nổi trội như Lang Da Huệ Giác, Thạch Sương Sở Viên, Đại Ngu Thủ Chi. Trong đó Lang Da Huệ GiácTuyết Đậu Trùng Hiển của Tông Vân Môn được tôn xưng là Nhị vị cam lồ môn của Phật pháp. Thiền sư Thạch Sương Sở Viên kế tiếp cơ phong của vị tổ Lâm Tế, và thông qua quá trình tham học với các vị Thiền sư danh tiếng ở các tông phái Thiền khác, đã hấp thụ thêm tinh hoa của các tông phái khác như Động Sơn Ngũ Vị của Tông Tào Động, khiến cho Tông Lâm Tế càng nổi trội và đa dạng hơn. Thiền sư Sở Viên dùng pháp lệnh nghiêm túc, cơ pháp hiểm hóc siêu tuyệt rất nổi tiếng.

Dưới Thiền sư Sở Viên, có 2 môn đệ xuất sắc nhất là Hoàng Long Huệ Nam, hình thành nên phái Hoàng Long- trụ sở chính tại núi Hoàng Long, và Dương Kỳ Phương Hội với Dương Kỳ phái, là hai dòng phái chính của Tông Lâm tế. Và về sau được xếp vào Ngũ Gia Thất Tông.

Đến thế kỷ 12, Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo- vị Thiền sư xuất sắc nhất thời kỳ này, đã hình thành và phát triển lối tu tập Thiền công án, thoại đầu để hướng dẫn các đệ tử tu học để đạt đến Giác Ngộ (Kiến Tính), đệ tử tham học của Thiền sư Đại Huệ có cả giới sĩ phu Nho học, khiến cho hình thức tu học này lan ra khắp xã hội. Đại Huệ được tôn xưng là Bậc đại thành về thiền công án (công án thiền đại thành giả). Từ đó đến nay, Thiền công án thoại đầu là phương pháp thực hành Thiền Tông chủ yếu để đạt đến giác ngộ và được duy trì, kế thừa đến ngày nay. Thời kỳ nhà Tống cũng xuất hiện sự ra đời của tập công án nổi danh Vô Môn Quan do Vô Môn Huệ Khai sáng tác, cũng như tập Bích Nham Lục của Viên Ngộ Khắc Cần và Bức Thập Mục Ngưu Đồ của Khuếch Am Sư Viễn, qua đó đã thể hiện rất rõ khuynh hướng văn học Thiền trong Thiền Tông.

Thời Nguyên, tông này vẫn tiếp tục lan rộng ảnh hưởng và được sự ủng hộ của nhiều giới quan lại, quý tộc. Thiền sư Trung Phong Minh Bản là người nổi bật nhất thời kỳ này, với những hoạt động hoằng pháp và truyền bá truyền thống tu tập Thoại Đầu cũng như hệ thống thanh quy trong các Thiền viện Thiền tông.

Đến thời Minh, tông này dần bị suy thoái theo thời cuộc. Thiền sư Mật Vân Viên Ngộ là người đã khôi phục lại tông này qua việc biên soạn các tác phẩm liên quan đến cách thức tiếp dẫn người học và tư tưởng Thiền tông Lâm Tế cũng như việc sử dụng các phương tiện đánh hét của vị khai tổ lâm Tế Nghĩa Huyền và khá thành công. Ngoài ra cũng có chủ trương Niệm Phật công án của Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng( cũng là tổ thứ 8 Tông Tịnh Độ)- người được biết với tư cách tăng sĩ Tịnh Độ hơn là một Thiền sư, sư cho rằng việc dùng vô tâm niệm danh hiệu phật A Di Đà và khởi nghi tình Niệm phật là ai? cũng có thể trở thành một công án Thiền để thực hành và có thể đưa đến giác ngộ.

Đến thời Thanh, Tông Lâm Tế vẫn có phần ảnh hưởng trong xã hội Phật Giáo. Các đời vua nhà Thanh như Thuận Trị, Ung Chính, Khang Hy, Càng Long đều quý mến Phật Pháp, Thiền Tông thường mời các vị Thiền sư vào cung thuyết pháp, học Thiền và phong tặng danh hiệu cho các bậc cao đức Thiền Tông, điển hình như Quốc sư Ngọc Lâm Thông Tú. Vua Ung Chính được giới học giả Phật Giáo và các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đánh giá là vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc là người thật tu, thật ngộ (minh tâm kiến tính). Giữa cuối nhà Thanh, Phật Giáo nói chung và Thiền Tông Trung Quốc nói riêng bị suy vi mạnh mẽ do bối cảnh chiến tranh, bạo loạn, bất ổn xã hội.

Thời cận đại, Thiền sư Hư Vân là vị thiền sư nổi tiếng nhất của Phật Giáo Trung Quốc, với vai trò khôi phục, xây dựng lại các ngôi Thiền viện tổ đình và tinh thần Thiền tông, cũng như các quy chế tu tập Thiền đường như Thiền Thoại Đầu, Thiền Thất, Bão Hương.... và sinh hoạt nông thiền- đề cao sự lao động và tự túc trong sinh hoạt Thiền viện. Ngoài ra cũng có Thiền sư Lai Quả (1880-1953) nổi tiếng với việc đào tạo các môn đệ theo đường lối Thiền Thoại Đầu rất quy củ và nghiêm khắc. Thiền Lâm Tế hiện đại được Hòa thượng Tuyên Hóa, Thiền sư Thánh Nghiêm giới thiệu đến Hoa Kỳ. Một số ngôi thiền tự tham thoại đầu nổi tiếng ở Trung Quốc đến nay vẫn còn được duy trì là: Cao Mân Thiền Tự(Dương Châu, Giang Tô), Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự( Ninh Ba, Chiết Giang), Chân Như Thiền Tự( núi Vân Cư, Giang Tây)... và cùng nhiều Thiền Tự khác.